15 MÓN ĐẶC SẢN HUẾ GÂY THƯƠNG NHỚ

Thời gian:

Người ta thường nói đến Huế là để ăn, ăn không chỉ là những món ăn thanh cao cung đình Huế, còn là những món ăn dân dã giản dị, mà đằm thắm nơi đầm phá, núi sông này tạo nên.

Hãy cùng BI Travel điểm qua 15 món Đặc Sản gây thương nhớ nơi xứ Huế mà bất kì ai đến đây cũng không thể bỏ lỡ.

1.  Cơm hến và các món từ hến

Khi đến Huế chúng ta không thể bỏ qua cơ hội được thưởng thức một bát cơm hến vốn là món ăn nổi tiếng và đặc sắc của nơi đây. Có chút ngọt thanh của hến, có chút cay cay của mắm ruốc, thêm chút hăng hăng của rau thơm, bắp chuối, giá đỗ, và ngậy ngậy của lạc vừng… Tất cả làm nên món cơm hến giản đơn nhưng đã làm say lòng bao du khách khi đến đây và thưởng thức nó. Món ăn này được bán rất nhiều ở các quán và gánh hàng rong khắp Huế. Giá rẻ và ăn khá lạ miệng.

Mì hến chính là một món ăn được biến tấu từ cơm hến, bởi nguyên liệu để làm món ăn này cũng tương tự, chỉ khác là thay vào đó bằng mì sợi.

Bên cạnh đó, các món khác từ hến như bún hến, hến xào xúc bánh tráng, canh hến, bánh đập hến xào,... ở Huế cũng được khách du lịch yêu thích. Mỗi món ăn đều mang một phong vị riêng, nhưng cái vị của hến vẫn đọng lại trên đầu lưỡi, khó quên. Muốn ăn cơm hến và các món từ hến ngon ở Huế, du khách có thể tìm đến cồn Hến – Vĩ Dạ hay các quán trên đường Hàn Mặc Tử, từ từ cảm nhận hết hương vị ngọt dai và cay nồng của hến Huế.

2.  Cơm âm phủ

Cơm âm phủ, vừa nghe tên thôi cũng đủ làm người khác phải giật mình, song với người Huế và cả người yêu Huế, đã đến Huế đôi lần thì món ăn này không còn gì lạ. Đây là món cơm cực kỳ nổi tiếng tại Huế, được bán khắp nơi ở các quán ăn tại thành phố. Một phần ăn được xếp đẹp mắt trên đĩa có bảy màu, tượng trưng cho bảy bước đi đầu tiên của Đức Phật. Cơm trắng được để ở giữa, xung quanh là thức ăn kèm đủ loại mà tiêu biểu nhất có thịt ba rọi, chả lụa Huế, tôm, nem nướng, dưa leo, trứng rán,... Du khách có thể thay đổi thành phần theo sở thích của mình.

Ảnh: Internet

3.  Cơm chay Huế

Nếu bạn muốn có một bữa ăn thanh đạm và để cơ thể được thanh lọc thì hãy thử một bữa cơm chay tại Huế. Các món chay cũng rất đa dạng và phong phú, chỉ từ rau, củ, nấm, đậu phụ… nhưng bạn đã có một bữa cơm đầy đủ và thịnh soạn vô cùng.

Ảnh: Internet

4.  Bún bò Huế

Bạn có thể ăn Bún bò Huế khi ở Hà Nội, Sài Gòn,… nhưng món ăn quen thuộc này sẽ được cảm nhận một cách thật khác khi ăn ở gốc Huế. Những sợi bún trắng trong nổi bật trên đó là những viên mọc hồng (được viên từ giò sống và thịt cua), những miếng móng giò được ninh mềm nhừ, kèm theo một chút gia vị mắm ớt chanh vô cùng thú vị, vừa cay, vừa nóng. Các quán bún bò có mặt ở khắp các con đường ở Huế.

Ảnh: Internet

5.  Bánh bèo

Đến với Huế, đừng quên thưởng thức những chiếc bánh bèo nhỏ nhỏ, xinh xinh. Đây là món Đặc Sản khá phổ biến ở nhiều tỉnh thành, tuỳ mỗi nơi mà hương vị sẽ thay đổi. Tại Huế, bánh bèo có hai loại bánh bèo chén và bánh bèo dĩa. Nguyên liệu chính là bột gạo xay thành bột, đổ bột vào những chiếc chén nhỏ, hấp chín, cho tôm cháy, hành phi, tóp mỡ lên trên. Một khay bánh khoảng chừng 20 chén, linh hồn bánh ngon hay không phải kể tới nước chấm. Nước chấm ngọt, cay thì mới đạt độ chuẩn.Bánh có màu trắng, mỏng dính, phía trên là tôm cháy, hành phi, tóp mỡ trông bắt mắt.

Ảnh: Internet

6.  Bánh bột lọc

Bánh bột lọc xứ Huế không chỉ nổi tiếng ở Huế mà còn được biết đến trên khắp cả nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội,…

Bánh bột lọc xứ Huế còn được giới thiệu qua một số trang của thế giới như CNNGO, từng giới thiệu bánh bột lọc Huế là một trong 30 món bánh ngon nhất trên thế giới.

Bánh bột lọc Huế có 2 loại: bánh bột lọc luộc gói bằng lá chuối và bánh bột lọc trần. Bánh bột lọc có vị mát thanh thanh của bột lọc, thơm ngọt của tôm, thịt. Chính vì thế mà nhiều du khách đến Huế nhất định phải thưởng thức “cho bằng được” món Đặc Sản dân dã này.

Ảnh: Internet

7.  Bánh khoái (bánh xèo Huế)

Đổ bằng bột gạo xay đánh sệt với nước và lòng đỏ trứng, sau đó thêm tiêu, hành, mắm, muối, tôm bóc vỏ, thịt bò (hoặc chim) nướng thái lát, mỡ thái lát nhỏ, giá sống. Món bánh này ăn không no, vì vậy, sau khi thưởng thức xong món này, bạn có thể thưởng thức những món ngon khác vô cùng thoải mái.

Ảnh: Internet

8.  Bánh ram ít

Bánh ít ram có hai màu trắng vàng, điểm xuyết màu xanh của mỡ hành, vàng của tôm cháy. Bạn sẽ cảm thấy thích thú bởi khi ăn, bánh vừa giòn rụm lại dẻo mềm.

Ảnh: Internet

9. Tré Huế

Tré Huế tuy chỉ là một món ăn dân dã nhưng lại có hương vị đặc biệt và chiếm được tình cảm của rất nhiều người. Tuy cách chế biến tré Huế khá đơn giản nhưng nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn. Tré có vị giòn giòn, dai dai của mũi và tai heo cùng với độ mềm mềm, béo béo của da và thịt heo, tạo nên một hương vị rất đặc biệt. Nguyên liệu để làm tré rất quen thuộc, đặc trưng và dễ tìm như da heo, tai, mũi heo, thịt ba chỉ, tỏi, riềng, thính, mè, lá ổi, lá chuối… Tuy nguyên liệu không cầu kỳ, nhưng khi chúng kết hợp với nhau lại tạo nên một món ăn tinh tế và đậm chất của Đặc Sản cố đô.

Ảnh: Internet

10.  Vả Huế

Tên món ăn khá lạ và đây là món ăn dân dã của Huế. Cây vả cho trái ăn vừa ngọt vừa bùi, có thể làm món rau sống kèm với những món ăn như bún thịt nướng, bún thịt kẹp tôm chua, bánh khoái, thịt bò nhúng dấm,… vả trộn xúc ăn với bánh tráng, vả kho chung với thịt heo, thịt bò, cá rô, cá nục, cá ngừ… Có thể ban đầu bạn cảm thấy không thích nhưng lâu dần ăn quen sẽ thấy nghiện.

Salad vả trộn đã từng là món ăn được chế biến chỉ dành cho hoàng gia Huế, kết hợp trái vả luộc, cà rốt thái lát, nấm, hành với tôm hoặc thịt heo xắt nhỏ. Mặc dù, được phục vụ theo truyền thống như họp mặt gia đình và đám cưới, nhưng có rất nhiều nhà hàng Việt Nam trong thực đơn đều luôn hiện diện món ăn độc đáo này trong suốt năm. Loại vả này chỉ có ở miền Trung, làm cho nó trở thành sự lựa chọn cho những du khách lần đầu tiên ở Huế. Thưởng thức lần đầu món salad vả trộn, ắt hẳn làm bạn nhớ mãi và khó quên được.

Ảnh: internet

 

11.  Nem lụi

Nem lụi được làm bằng thịt lợn ướp gia vị theo công thức riêng, được quấn quanh thanh sả và nướng trên bếp than hồng rực lửa. Nem lụi ăn kèm với bánh tráng, bạn thêm xà lách thái lát, dưa chuột, quả sung, cà chua và đu đủ xanh thái sợi... Một điều nữa mà không thể bỏ qua món Đặc Sản này là chấm với nước sốt địa phương được làm từ đậu phộng.

Ảnh: Internet

12.  Bánh canh Nam Phổ

Không được bán nhiều như cơm hến hoặc bún bò, nhưng bánh canh cua Nam Phổ xuất phát từ những gánh hàng rong gia truyền của người dân làng Nam Phổ, thuộc huyện Phú Vang. Vùng đất này từng sản sinh ra nhiều đầu bếp tài ba, chế biến ra nhiều món ăn hấp dẫn tiến cung thời phong kiến.

Món ăn có màu đỏ đặc trưng của hạt điều, nước dùng sánh ẩn hiện bên trong là thịt cua và tôm. Tôm tươi là nguyên liệu không thể thiếu khi thực hiện món bánh canh Nam Phổ. 

Ngoài phần nhân thơm ngon được làm từ tôm, thịt và gạch cua xay nhuyễn rồi quết dẻo vào nhau, nét độc đáo của bánh canh Nam Phổ còn nằm ở sợi bánh được nấu từ bột gạo và bột lọc theo tỉ lệ “3 gạo – 1 lọc”. Không sử dụng cách nhào bột thông thường như các loại bánh canh khác, bột bánh canh Nam Phổ được hấp chín cách thủy. Vì thế một người thợ khéo sẽ cho ra những mẻ bột đều và đẹp.

Ảnh: Internet

13.  Tôm chua

Là một món ăn bình dị của người dân xứ Huế. Cái vị chua thanh của tôm, cay nồng của các loại gia vị làm cho ai đã một lần thưởng thức thì không thể quên được hương vị mộc mạc của món ăn.

Tôm chua Huế mang đủ sự tinh tế của người Huế trong cách chế biến. Không sử dụng loại tôm biển to, mập, người ta bắt những con tôm nước ngọt, tôm sông, tôm đồng, tôm đất. Tôm không quá to, không quá nhỏ, sàn sàn nhau để được ngấm đều gia vị và làm cho hũ tôm thêm đẹp.

Tôm chua Huế là sự tổng hòa của sắc màu trắng của xôi, măng, riềng tỏi, màu đỏ của tôm, ớt… và đủ các vị: ngọt, béo, bùi, cay, chua, đắng… Đó còn là sự tổng hòa của âm và dương, cái mát lành của tôm hòa trong cái cay nồng của gia vị, tất cả thật hài hòa và quyến rũ.

Ảnh: Internet

14.  Bánh chưng Nhật Lệ

Đây là món Đặc Sản nổi tiếng ở Huế và có xuất xứ từ con phố Nhật Lệ trong thành Nội, nơi tập trung hàng chục lò làm bánh. Bánh thơm dẻo, ăn rất khoái khẩu do sự kết hợp nhuần nhuyễn mùi vị giữa nhân đậu, thịt (mỡ và nạc) với gạo nếp và các loại gia vị như tiêu, hành. Người ăn quen lâu ngày thành nghiện, thành thèm.

Ăn bánh chưng Nhật Lệ khi nguội ngon hơn khi nóng. Bóc lớp lá chuối ra, màu bánh xanh thơm. Cắn một miếng, nhân đậu thịt mỡ màu nâu trắng béo bùi ngập chân răng. Một chuyên gia gói bánh của phố Nhật Lệ cho biết: "Nếp là phải nếp tốt, không lẫn tẻ, hạt phải tròn đều. Thịt là loại tươi nóng mới mổ ra. Nấu thì phải nấu cho bánh chín đúng độ, không nhão nát, không sống...". Du khách đến Huế ai cũng tìm ăn bánh chưng Nhật Lệ.

Ảnh: Internet

15.  Chè Huế

Ở Huế có tới mấy chục loại chè sang trọng, đài các có, bình dân có. Mỗi loại chè có một hương vị đặc biệt riêng và rất hấp dẫn. Nhiều đến nỗi người ta ví von nếu Hà Nội có 36 phố phường thì xứ Huế cũng có đến... 36 thứ chè. Người Huế khéo tay, ăn uống cầu kỳ, tinh tế nên chế biến được nhiều thứ chè lạ, ngon và bổ.

Có những loại chè thanh cao mà cầu kỳ như chè hạt sen, chè nhãn bọc hạt sen, chè hạt lựu, chè thịt quay, chè môn sáp vàng, chè bông cau... Một số chè bình dân như: chè bắp, chè trôi nước, chè kê, chè khoai sọ, chè đậu ván, chè bột lọc, chè đậu xanh, chè đậu đỏ, chè thập cẩm, chè khoai môn, chè khoai mài, chè hột é...

Ảnh: Internet

Đến Huế rồi thì ngại gì không thưởng thức những món ăn đặc sắc xứ này, ăn đi chờ chi.